HẢI QUAN TP.HỒ CHÍ MINH: NHIỀU GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN GIAN LẬN QUA GIÁ

(HQ Online)- Chủ trì hội nghị công tác giá năm 2017 của Cục Hải quan TP.HCM vào cuối tuần qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường chỉ đạo đơn vị tập trung thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tồn tại, ngăn chặn gian lận qua trị giá tính thuế.

Ô tô nhập khẩu qua cảng Hiệp Phước- TP.HCM. Ảnh: Thu Hòa​​​.
 
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế XNK- Tổng cục Hải quan Nguyễn Hoàng Tuấn, việc một số công chức hải quan không cập nhật, không xác định nghi vấn giá… sẽ ảnh hưởng đến các khâu nghiệp vụ tiếp theo. Những tồn tại trong công tác giá không chỉ ở TP.HCM mà là tình trạng chung ở nhiều đơn vị hải quan. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh nghiệp vụ về công tác giá. Tổng cục Hải quan sẽ tiếp thu những kiến nghị của Cục Hải quan TP.HCM về giá một số mặt hàng có biến động thường xuyên. Nhóm giải pháp về chính sách, từ nay đến tháng 7 sẽ đưa ra nội dung sửa đổi Thông tư 38 để lấy ý kiến, sau đó trình Bộ Tài chính ban hành…
 

Tại hội nghị, các cán bộ làm công tác giá đã đánh giá, phân tích làm rõ các nguyên nhân tồn tại tại 8 khâu nghiệp vụ trong công tác giá tính thuế, như: Khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; Kiểm tra trị giá tính thuế; Xác định trị giá hàng phi mậu dịch, tham vấn và kiểm tra sau thông quan về giá; Công tác rà soát, kiểm tra thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan trên hệ thống của các chi cục; Khâu báo cáo số liệu về giá, đề xuất sửa đổi bổ sung mức giá, tham chiếu tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá; Cập nhật quyết định ấn định thuế trên chương trình kế toán thuế tập trung và theo dõi thu nộp thuế, phạt chậm nộp; Khâu xử lý vi phạm trong lĩnh vực trị giá hải quan và khâu giải quyết khiếu nại về giá.Chủ trì hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, tất cả những tồn tại, bất cập trên cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề xuất các giải pháp khắc phục, cũng như các kiến nghị cụ thể. Trong giải pháp, cái gì là đột phá, là căn bản phải làm để khắc phục. Qua đó xây dựng kế hoạch tương đối căn cơ thực hiện từ nay đến cuối năm cho hiệu quả.

Từ những tồn tại trên, Cục Hải quan TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, Phòng Thuế XNK phối hợp với Phòng Tổ chức cán bộ mở các lớp đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho CBCC làm công tác giá, tạo cơ hội học tập kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị bằng các chuyên đề thiết thực, gắn liền với thực tiễn, tập trung đào tạo kỹ năng về tham vấn giá/kiểm tra sau thông quan về giá, kỹ năng bác bỏ trị giá khai báo của doanh nghiệp, cập nhật thường xuyên các hình thức gian lận qua giá; Phân công mỗi công chức phụ trách một số nhóm hàng thuộc Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá; hàng ngày thực hiện rà soát, kiểm tra việc xác định dấu hiệu nghi vấn, việc cập nhật kết quả tham vấn, kiểm tra sau thông quan, xác định giá trên chương trình của các chi cục.

Về công tác kiểm tra trị giá, kiểm tra thực tế hàng hóa, tham vấn, kiểm tra sau thông quan về giá, Cục Hải quan TP.HCM yêu cầu khi làm thủ tục, công chức hải quan tại bước tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra trị giá hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa phải yêu cầu doanh nghiệp khai báo tên hàng đầy đủ thông tin, chi tiết các yếu tố liên quan có ảnh hưởng đến trị giá hải quan (nhãn hiệu, model, công dụng, thành phần, định lượng, kích cỡ…) theo đúng quy định. Công chức tại bước kiểm tra giá khi chấp nhận hoặc nghi vấn giá phải có cơ sở vững chắc, tránh trường hợp chấp nhận không đúng quy định hoặc nghi vấn tràn lan, không hiệu quả. Công chức tại bước tham vấn, kiểm tra sau thông quan phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, thu thập các nguồn thông tin, chuẩn bị trước nội dung làm việc với DN để kết quả tham vấn/kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao, xác định trị giá đúng quy định. Thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với tờ khai luồng Xanh vì hiện tại, tờ khai luồng Xanh chiếm tỷ lệ rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại qua giá, mã số, chính sách mặt hàng, có khả năng gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước…

Chỉ đạo khắc phục những tồn tại của Cục Hải quan TP.HCM trong công tác giá, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, giá tính thuế là bộ phận cấu thành trong yếu tố thu ngân sách nhà nước, nếu làm tốt công tác giá sẽ chống được thất thu ngân sách về trị giá tính thuế. Trong thời gian qua, bên cạnh DN chấp hành tốt pháp luật, khai báo đúng giá tính thuế, vẫn có không ít DN gian lận trị giá tính thuế, thực trạng này đã được các cấp lãnh đạo yêu cầu ngăn chặn kịp thời. Qua đánh giá thực trạng về công tác giá tính thuế cho thấy tất cả các khâu, quá trình phối hợp, cơ chế chính sách về công tác giá đều tồn tại những hạn chế , nhưng tồn tại chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường chỉ đạo, trước hết Phòng Thuế XNK tham mưu cho lãnh Cục xây dựng văn bản chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện ngay các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại nêu trong báo cáo, trong hội nghị; các chi cục hải quan phải tổ chức quán triệt cho CBCC để thấy rõ những tồn tại, nguyên nhân, thực hiện các giải pháp khắc phục ngay; tập huấn lại các quy định về công tác giá cho toàn bộ công chức làm công tác giá; các chi cục tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục ngay kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác giá…

Lê Thu

HÀ NỘI, TP.HCM NHẬP SIÊU HÀNG TỶ USD

(HQ Online)- Trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu có đến 3 tỉnh, thành phố đang bị thâm hụt thương mại lớn.
Biểu đồ trị giá kim ngạch XNK của 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước đến hết quý I/2017, đơn vị tính “tỷ USD”. Đồ họa: T.Bình.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, hết quý I/2017, 3 địa phương bị thâm hụt thương mại là Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh.

Trong đó, Hà Nội có mức nhập siêu lớn nhất. Hết quý I, tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của địa phương này là 2,697 tỷ USD và nhập khẩu là 6,882 tỷ USD dẫn đến con số nhập siêu lên đến 4,185 tỷ USD.

Cùng với Hà Nội, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP.HCM cũng có mức thâm hụt thương mại 1,619 tỷ USD (xuất khẩu 7,982 tỷ USD và nhập khẩu 9,601 tỷ USD).

Việc nhập siêu của Hà Nội và TP.HCM diễn ra nhiều năm và là điều dễ hiểu khi đây là 2 địa bàn nhập khẩu hàng hóa quan trọng của cả nước, nhất là hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc hâm hụt thương mại của Bắc Ninh lại là diễn biến đáng chú ý. Bởi cùng kỳ 2016, địa phương này đang xuất siêu 1,179 tỷ USD, nhưng năm 2017 lại đảo chiều. Cụ thể, quý I/2017, Bắc Ninh đang nhập siêu 577 triệu USD.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28/4, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Đức Quyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc nhập siêu trong quý I vừa qua xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là việc mở rộng dự án tại Bắc Ninh của tập đoàn Samsung.

Ngoài các thông tin đáng chú ý trên, theo Tổng cục Hải quan, trong quý I vừa qua, hai địa phương trong Top 5 về xuất nhập khẩu của nước ta là Thái Nguyên và Bình Dương vẫn duy trì được trị giá xuất siêu.

Trong đó, Thái Nguyên xuất siêu 1,671 tỷ USD; Bình Dương xuất siêu 1,039 tỷ USD.

Thái Bình

VIỆT NAM – CAMPUCHIA THỐNG NHẤT XÂY CAO TỐC TP.HCM – PHNOM PÊNH

Việt Nam và Campuchia vừa ký Bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu, xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Phnom Pênh.

 
NHAT8957

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia 

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24 – 25/4/2017, ngày 25/4/2017 tại thủ đô Phnom Pênh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã có buổi hội đàm chính thức. Tham gia Hội đàm về phía Bộ Giao thông vận tải có Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.

Tại buổi hội đàm, hai Thủ tướng đã hài lòng ghi nhận những thành tựu tốt đẹp trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, sâu sắc và toàn diện, láng giềng đoàn kết hữu nghị và hợp tác. Trong thời gian tới, hai Bên mong muốn tiếp tục tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, hỗ trợ nhau hội nhập tích cực và sâu rộng trong tình hình mới.

Về giao thông vận tải, hai Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông vận tải qua lại hai nước, đặc biệt là kết nối đường bộ mà điển hình là dự án đường 78 cùng đoạn nối từ đường 78 – QL19 của Việt Nam qua cặp cửa khẩu Lệ Thanh – Yoyadav (được xây dựng bằng vốn ưu đãi của Chính phủ Việt Nam), cầu Long Bình – Chrey Thom (vừa khánh thành ngày 24/4/2017)…

Để tăng cường kết nối hai nền kinh tế mạnh mẽ hơn, hai Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thảo luận để sớm đi đến ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực GTVT, theo đó nhấn mạnh nội dung: kết nối hạ tầng giao thông; tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải và thương mại qua lại hai nước; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho Campuchia trong thời gian tới.

Ky 1

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol ký Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài và Phnom Pênh – Bà Vẹt

Kết thúc hội đàm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Bộ trưởng cấp cao Giao thông Công chính Campuchia Sun Chanthol đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Công chính Campuchia về việc thúc đẩy Nghiên cứu và xây dựng các tuyến Đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (65km) và Phnom Pênh – Bà Vẹt (130km). Đây là một trong bốn văn kiện quan trọng được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Campuchia.

 Theo Bản ghi nhớ này, hai Bên thống nhất phối hợp nghiên cứu để đầu tư, xây dựng cao tốc nối TP. Hồ Chí Minh – Thủ đô Phnom Pênh, tương ứng với việc mỗi bên sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng các đoạn cao tốc tương ứng trên lãnh thổ mình.

Cao tốc Phnom Pênh – Bà Vẹt được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã cơ bản hoàn thành nghiên cứu khả thi. Phía Việt Nam ghi nhận kết quả nghiên cứu của phía Campuchia, ghi nhận hướng tuyến, quy mô và quy hoạch sơ bộ điểm đấu nối. Hai Bên phối hợp kết nối hài hoà giữa 2 đoạn tuyến cao tốc về cụ thể điểm nối, mặt cắt ngang phù hợp… đồng thời thống nhất bố trí quy hoạch không gian phù hợp cho khu vực Trạm kiểm soát liên hợp, khu vực kiểm hoá chung (CCA)… Hai Bên giao Ban quản lý dự án an toàn giao thông đại diện cho Bộ Giao thông vận tải và Cục Cao tốc Campuchia đại diện cho Bộ Giao thông công chính Campuchia làm đầu mối đôn đốc dự án cao tốc này.

Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ đi gần song song với Quốc lộ 22 và cách Quốc lộ 22 về phía Bắc khoảng 4 km với tổng chiều dài khoảng 65 km. Tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km, tổng mức đầu tư khoảng 650 triệu USD.

Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được nghiên cứu và đầu tư sẽ giảm tải cho tuyến Đường bộ xuyên Á (quốc lộ 22 – là tuyến quốc lộ duy nhất nối Tp.HCM với cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, cửa ngõ quốc tế thông thương Quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN), giảm thời gian và tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách đến/đi từ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận; góp phần hoàn chỉnh mạng đường cao tốc theo qui hoạch, đó là phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được được đầu tư xây dựng trong khu vực phía Nam bao gồm: cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đã hoàn thành), TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đang xây dựng); liên kết với các tuyến quốc lộ 1, 22, 22B, đường Hồ Chí Minh, cùng hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ, đường hàng không, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đặc biệt, tuyến dự án sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN (Bangkok – Phnom Pênh – TP.HCM).

Trước đó, ngày 24/4/2017, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng hai Thủ tướng Chính phủ tham gia Lễ Khánh thành dự án cầu Long Bình – Chrey Thom (sử dụng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Việt Nam).

Ngọc Thuyên. Ảnh: TTXVN

Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/

HẢI QUAN TP.HCM: THU NGÂN SÁCH TĂNG TRÊN 5.000 TỶ ĐỒNG

(HQ Online)-Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, số thu ngân sách của đơn vị trong 4 tháng đầu năm 2017 được 29.265 tỷ đồng, đạt 26,84% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 14,48% (tăng trên 5.300 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2016.

Ô tô NK tăng cao khiến số thu của Cục Hải quan TP.HCM tăng. Ảnh: T.H

Cụ thể, số thuế thu trong tháng 4/2017 được 8.858 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng 3/2017. Theo phân tích của Cục Hải quan TP.HCM, số thu thuế tháng 4 tiếp tục tăng so với tháng 3 và tăng so với tháng 4/2016 là do tình hình kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. 

Bên cạnh đó, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong đó, thực hiện kế hoạch gặp gỡ, nắm bắt kết hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nên một số doanh nghiệp truyền thống đã quay trở lại đăng ký làm thủ tục Hải quan tại địa bàn.

Lê Thu