(HQ Online)- Tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cao. Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với nhập khẩu.
Xuất khẩu tăng gần 41%
Với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 25,469 tỷ USD (theo số liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 4/2017), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nước ta. Kết quả này có mức tăng trưởng trên 23% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ gần 41%, đạt tổng giá trị kim ngạch 8,324 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).
Sự tăng trưởng cao về xuất khẩu vào Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu cả nước nói chung những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường này cao gấp gần 2,5 lần mức bình quân chung của cả nước cũng là một điều cần được ghi nhận (tăng trưởng xuất khẩu cả nước 4 tháng đầu năm đạt 16,8%).
Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với một số mặt hàng quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông sản hay một số mặt hàng điện tử.
Đối với mặt hàng rau quả, 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lượng hàng hóa trị giá 759 triệu USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 74,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của cả nước.
Thêm một thông tin đáng chú ý là hết tháng 4, nước ta đã có mặt hàng xuất khẩu “tỷ USD” đầu tiên sang Trung Quốc, một điểm mới so với cùng thời điểm này năm 2016. Đó là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá kim ngạch đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng tới gần 108% so với 4 tháng đầu năm 2016 và chiếm gần 24,4% trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước…
|
Biểu đồ: T.Bình. |
Cần tăng sự chủ động trong sản xuất, xuất khẩu
Hoạt động XNK giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có những dấu hiệu khởi sắc, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong quan hệ giao thương với Trung Quốc, Việt Nam vẫn bị phụ thuộc lớn.
Đánh giá về hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng- nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) cho rằng, một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam tiếp giáp một thị trường có dân số lớn nhất thế giới với sức mua vô cùng lớn. Nhưng Trung Quốc cũng là công xưởng lớn nhất nhất thế giới. Vì vậy, Việt Nam vừa có thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực trong quan hệ giao thương với quốc gia láng giềng này (về nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc).
|
“Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng. |
|
PGS-TS Phạm Tất Thắng phân tích, lợi thế của Việt Nam là có thể đưa được những mặt hàng mà nước ta có thế mạnh và phù hợp với thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc cũng có yêu cầu về chất lượng không quá khắt khe như nhiều thị trường lớn khác.
Đồng thời, Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch.
Nhưng những lợi thế kể trên có thể sớm mất đi. Bởi “Trung Quốc đang siết lại các tiêu chuẩn trong hoạt động XNK theo quy định của WTO, đặc biệt là hạn chế việc nhập khẩu qua đường mòn, lối mở. Đồng thời điều tiết luồng hàng hóa XNK theo nhu cầu phát triển của nước họ. Và như vậy, hàng hóa của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn”- PGS-TS Phạm Tất Thắng nói.
Chính vì vậy, dù hoạt động xuất khẩu của nước ta đang có sự tăng trưởng cao vào Trung Quốc nhưng vẫn chưa tạo được sự bền vững. Bởi có không ít thời điểm, Trung Quốc tăng mua ồ ạt một số mặt hàng nhưng sau đó ngừng mua đột ngột đẩy Việt Nam vào thế bị động, lúng túng và phải đi giải cứu.
Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương lấy ví dụ việc giải cứu mặt hàng thịt lợn gần đây là một điển hình. Nhưng theo ông, đề nghị Trung Quốc giúp “giải cứu” là không hề dễ dàng vì khi đó đối tác sẽ có những điều kiện đổi lại để chúng ta phải tiêu thụ những hàng hóa của họ.
Theo PGS-TS Phạm Tất Thắng, những bất lợi nêu trên xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản. Trước tiên là chất lượng, mẫu mã hàng hóa của Việt Nam còn hạn chế nên chưa đến được nhiều thị trường tiêu thụ khác trên thế giới. Và khi bị phụ thuộc lớn vào một thị trường thì việc xuất khẩu luôn bị động.
Một điểm yếu khác được chuyên gia đề cập là, Việt Nam chưa nắm bắt được hết quá trình tiêu thụ hàng hóa của mình ở thị trường Trung Quốc. “Chúng ta chỉ mới đưa hàng lên biên giới, còn khi hàng sang bên kia, vào kênh phân phối nào, đến đối tượng tiêu thụ nào… chúng ta chưa nắm đươc, dẫn đến có những mặt hàng sản xuất ra không phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Và thiệt hại lại rơi vào người nông dân, các nhà sản xuất”- PGS-TS Phạm Tất Thắng chia sẻ.
Để khắc phục được những hạn chể nêu trên, tận dụng tốt lợi thế ở gần thị trường tiêu dùng lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, PGS-TS Phạm Tất Thắng cho rằng, vấn đề cốt yếu của Việt Nàm là tổ chức lại hoạt động sản xuất, công tác quản lý, điều hành, xúc tiến thương mại một cách bài bản, chủ động, hiệu quả gắn với nâng cao mẫu mã, chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.