ĐÃ CÓ HƯỚNG SỬA QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TẠM NHẬP TÁI XUẤT

(HQ Online)- Để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến cơ chế báo cáo của các cơ quan, trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì quản lý, tức Bộ Công Thương.

Công chức Hải quan Cao Bằng kiểm tra container tạm nhập tái xuất. Ảnh: T.Bình.

Quản lý chưa chặt

 
Liên quan đến kiến nghị điều chỉnh điều kiện kinh doanh TNTX quy định tại Thông tư 05 (quy định ký quỹ, kho bãi và một số điều kiện khác), do Bộ Công Thương đã rà soát theo hướng loại bỏ các quy định chưa phù hợp; kế thừa một số quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp với thực tế để đưa vào Nghị định 77/2016/NĐ-CP nên Bộ Công Thương chưa xem xét, tiếp thu điều chỉnh nội dung này trong phạm vi của thông tư thay thế Thông tư 05.
 

Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thúc đẩy thương mại cho một số địa phương có cửa khẩu thì hoạt động TNTX đang được cho là loại hình kinh doanh có nhiều bất cập. Chính bởi thế, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phải ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg để tăng cường công tác hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này.Tuy nhiên, kết luận thanh tra báo cáo của Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2016 vẫn tiếp tục nêu ra nhiều điểm bất cập của hoạt động kinh doanh TNTX. Cụ thể, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại qua hoạt động TNTX như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí phải xử lý hậu quả do vi phạm gây ra, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… dẫn tới nhiều DN lợi dụng hoạt động TNTX để gian lận thương mại như dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai là hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế TTĐB…

Thực tế này cũng được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) thừa nhận trong một lần trả lời phóng viên Báo Hải quan. Hoạt động kinh doanh TNTX đã bộc lộ một số hạn chế nhất định trong quản lý, kiểm soát nhất là kiểm soát, ngăn chặn việc lợi dụng quy định về TNTX để buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế.

Với những bất cập đó, Bộ Công Thương đã tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương để thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hiện hành còn tồn tại, bất cập, chưa sát thực tế về TNTX, trong đó có việc xây dựng thông tư thay thế Thông tư 05/2014/TT-BCT. Được biết, 2 vấn đề gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND tỉnh; trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan và địa phương nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Bởi lẽ, việc phân cấp, phân quyền, phối hợp của các đơn vị để quản lý hoạt động TNTX còn có hạn chế.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đề xuất sửa đổi Thông tư 05 theo hướng tập trung việc phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì là Bộ Công Thương. Bộ Quốc phòng kiến nghị bổ sung vào Điều 20 của Thông tư 05 nội dung quy định trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng như trách nhiệm trong phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa, cung cấp trao đổi thông tin định kì, đột xuất; quản lý, điều tiết hoạt động TNTX tại cửa khẩu, lối mở biên giới.

Đối với vấn đề trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, theo quy định tại khoản 4, Điều 20 của Thông tư 05, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm “định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời”. Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định cơ quan Hải quan phải cung cấp thông tin theo định kỳ hàng tháng dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư này, các DN tham gia hoạt động kinh doanh tái xuất nhóm hàng hóa có điều kiện đã phải thực hiện định kỳ hàng tháng báo cáo trực tiếp nên đề nghị điều chỉnh lại nội dung này.

Phân định rõ trách nhiệm

Trên cơ sở những đóng góp của các cơ quan liên quan, đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành bản dự thảo lần 1 thông tư thay thế Thông tư 05. Bản dự thảo này có một số nội dung đã được điều chỉnh, sửa đổi. Theo đó, Bộ Công Thương đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến theo hướng bổ sung và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh TNTX; điều chỉnh trách nhiệm cung cấp thông tin, chế độ báo cáo của cơ quan Hải quan, các địa phương và các DN có liên quan; điều chỉnh quy định về điều tiết hàng hóa và thẩm quyền điều tiết hàng hóa.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã bổ sung vào phần trách nhiệm của mình như sau: “Tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan trong việc thực hiện quy định tại Thông tư này” thay vì quy định cũ “tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho bãi của doanh nghiệp” và “chủ trì và phối hợp thu hồi mã số của DN theo quy định”.

Đối với kiến nghị về của Bộ Tài chính về việc sửa quy định Tổng cục Hải quan kỳ hàng tháng cung cấp thông tin, Bộ Công Thương đề xuất hướng sửa là “Tổng cục Hải quan định kỳ hàng quý cáo báo tình hình thực hiện TNTX theo mẫu báo cáo quy định của Bộ Công Thương (số lượng, giá trị hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện, hàng hóa khác theo quý…) để phục vụ công tác điều hành”.  Tổng cục Hải quan cũng có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công Thương các vụ vi phạm quy định về kinh doanh TNTX chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan; tình trạng hàng hóa ách tắc tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu trong thời gian sớm nhất để phối hợp có biện pháp xử lý kịp thời.

Bộ Công Thương cũng đề xuất, Sở Công Thương các tỉnh liên quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo ủy quyền của Bộ Công Thương kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh TNTX theo quy định tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP; kiểm tra tình hình thực hiện TNTX của các DN liên quan.

Ngoài những nội dung trên, Bộ Công Thương cũng bổ sung một số mặt hàng vào Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh TNTX gồm: Các mặt hàng nhạy cảm tác động đến an ninh, môi trường (các loại phế liệu, phế thải như phế liệu cấm XK, cấm NK là phế liệu cao su, phế liệu sắt, thép…), vật liệu nổ, vũ khí đạn dược; động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã theo Công ước CITES. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng bổ sung một số quy định khác nhằm tăng cường công tác quản lý như: DN không được ủy thác và nhận ủy thác đối với hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện; quy định về hoàn trả mã số TNTX của DN.

Phan Thu
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/