VIỆT NAM XUẤT SIÊU KỶ LỤC 3,9 TỶ USD

(HQ Online)- Dữ liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận mức thặng dư thương mại Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, tính hết tháng 4/2018, cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây.
Tân Vũ, xuất siêu, Hải Phòng
Hoạt động XNK tại cảng Tân Vũ, Hải Phòng.

Chiều 10/5, Tổng cục Hải quan đưa ra thông tin mới nhất về hoạt động XNK cả nước cập nhật trong nửa cuối tháng 4/2018.

Theo đó, kỳ 2 tháng 4 (từ 16-30/4) tổng kim ngạch XNK cả nước đạt 18,26 tỷ USD, tăng nhẹ 5,2%, tương ứng tăng 898 triệu USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 4 năm 2018.

Với kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 4, tổng kim ngạch XNK của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 đạt 143,89 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,95 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong cùng kỳ năm 2017.

Trong kỳ 2 tháng 4, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt mức thặng dư gần 0,8 tỷ USD, qua đó nâng mức xuất siêu của cả nước trong 4 tháng qua lên gần 3,9 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 4, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với 15 ngày đầu tháng ở một số nhóm hàng chủ yếu như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,5%, tương ứng tăng 181,71 triệu USD; sắt thép các loại tăng 77,9%, tương ứng tăng 103,66 triệu USD; giày dép các loại tăng 17,3% , tương ứng tăng 100,41 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 35,4%, tương ứng tăng 94,14 triệu USD, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10,2%, tương ứng tăng 66,25 triệu USD…

Đáng chú ý, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục xu hướng giảm, với con số giảm 315,35 triệu USD so với nửa đầu tháng 4, tương ứng giảm 16,6%.

Như vậy, hết tháng 4, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 73,89 tỷ USD, tăng 19,2%,  tương ứng tăng 11,89 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2017.

Về hoạt động nhập khẩu, kỳ 2 tháng 4, cả nước đạt kim ngạch đạt 8,73 tỷ USD, tăng 2,7% (tương ứng tăng 228 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 4.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ này tăng so với kỳ 1 tháng 4 ở một số nhóm hàng chủ yếu: Than các loại tăng gấp 2,93 lần, tương ứng tăng 125,08 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 41,7%, tương ứng tăng 112 triệu USD; vải các loại tăng 20,8%, tương ứng tăng 103,35 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điệu tử và linh kiện tăng 4,9%, tương ứng tăng 64,64 triệu USD…

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 4, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 9,5% (tương ứng tăng 6,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.

Thái Bình

XUẤT SIÊU 3,17 TỶ USD TRONG 11 THÁNG

(HQ Online)- Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng/2017 đạt 385,77 tỷ USD, tăng 21,4% tương ứng tăng hơn 67,9 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 253,24 tỷ USD, tăng 23,2% tương ứng tăng hơn 42,83 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Kim ngạch xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 11 tháng/2017 so với  cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 (từ 16/11/2017 đến 30/11/2017) đạt hơn 20,28 tỷ USD,  tăng 6,5% tương ứng tăng hơn 1,23 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2017. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong kỳ đạt kim ngạch 13,39 tỷ USD, tăng 5,5% tương ứng tăng hơn 694 triệu USD so với nửa đầu tháng 11/2017.

Trong kỳ 2 tháng 11/2017, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 875 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 11 tháng/2017 thặng dư 3,17 tỷ USD.

Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 10,6 tỷ USD, tăng 13,1% (tương ứng tăng 1,23 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,3%, tương ứng tăng 267 triệu USD; dầu thô tăng 8 lần; hàng dệt may tăng 11,9%, tương ứng tăng 121 triệu USD; sắt thép các loại tăng 86,3% tương ứng tăng 95 triệu USD; giầy dép các loại tăng 13,2%, tương ứng tăng 84 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 14,4%, tương ứng tăng 80 triệu USD;… Trong khi đó, xăng dầu các loại giảm 38,9%, tương ứng giảm 20,3 triệu USD; gạo giảm 15,6%, tương ứng giảm 15 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11 năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,47 tỷ USD, tăng 21,5% tương ứng tăng hơn 34,44 tỷ USD  so với cùng kỳ năm 2016.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng 11,6% tương ứng tăng 794 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng/2017 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 138,5 tỷ USD, tăng 23,2%, tương ứng tăng 26,11 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 11/2017 đạt 9,7 tỷ USD, tăng 0,1% (tương ứng tăng hơn 7 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 11/2017.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 11/2017 tăng so với kỳ 1 tháng 11/2017 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19%, tương ứng tăng 149 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 101,4%, tương ứng tăng 89 triệu USD; dầu thô tăng 66 triệu USD… Ở chiều ngược lại, sắt thép các loại giảm 25,1%,tương ứng giảm 113 triệu USD; than đá giảm 43,1%, tương ứng giảm 48 triệu USD;…

Như vậy, tính đến hết tháng 11/2017, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng 33,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 5,75 tỷ USD, giảm 1,7%  tương ứng giảm gần 101 triệu USD so với kỳ 1 tháng 11/2017, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này trong 11 tháng/2017 đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 23,4% tương ứng tăng hơn 21,7 tỷ USD cùng kỳ năm 2016.

Hà Nhi

VIỆT NAM ĐÃ XUẤT SIÊU 2,76 TỶ USD

(HQ Online)- Trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

Điện thoại, linh kiện điện thoại là một trong những mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK. Ảnh: Internet

Theo Bộ Công Thương: Hoạt động thương mại đang là một trong những điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng XK đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cùng với đó NK được kiểm soát và cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn.

Cụ thể, về XK, trong tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch XK. 

11 tháng qua, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại, linh kiện điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch XK (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng năm 2016). 

Bộ Công Thương nhìn nhận, với mức tăng trưởng lên tới 21,1%, tốc độ tăng trưởng XK hàng hóa của nước ta sau 11 tháng năm đã cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6 – 7% trong năm 2017. 

Trong bối cảnh XK đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây với con số trên 210 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2016).

Thanh Nguyễn

Đến hết tháng 8/2017: Nhập siêu chỉ còn mức 842 triệu USD

(HQ Online)- Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2017 đạt gần 37,95 tỷ USD, tăng 8,2% so với tháng trước. Qua đó đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2017 đạt gần 270,91 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và cán cân thương mại theo tháng.

Trong đó, xuất khẩu trong tháng 8/2017 đạt gần 19,77 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng 7/2017 đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 8 tháng/2017 đạt hơn 135,03 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu trong tháng 8/2017 đạt hơn 18,18 tỷ USD, tăng 4,5%, tương ứng tăng 775 triệu USD so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng/2017 đạt gần 135,88 tỷ USD, tăng 22,5%, tương ứng tăng 24,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 8/2017 đạt gần 25,08 tỷ USD, tăng 11,9% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 8 tháng/2017 đạt gần 176,96 tỷ USD, tăng 22,8%, tương ứng tăng 32,89 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 8/2017 đạt hơn 14,02 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 1,87 tỷ USD so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng/2017 của khối này đạt gần 95,09 tỷ USD, tăng 20,4%, tương ứng tăng gần 16,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; Nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng đạt gần 11,06 tỷ USD, tăng 7,9%, tương ứng tăng 805 triệu USD so với tháng trước, qua đó đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng/2017 đạt 81,87 tỷ USD, tăng 25,8%, tương ứng tăng gần 16,78 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước, trong tháng 8/2017 đạt kim ngạch 12,87 tỷ USD, tăng 1,5%, tương ứng tăng 196 triệu USD so với tháng trước.

Qua đó, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt gần 93,95 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 13,91 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của khối doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 8/2017 đạt hơn 5,74 tỷ USD, tăng 4,1%, tương ứng tăng 226 triệu USD, so với tháng trước.

Đưa kim ngạch xuất khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt hơn 39,94 tỷ USD, tăng 16,7%, tương ứng tăng gần 5,73 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; Nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp hoàn toàn vốn trong nước tháng 8/2017 đạt gần 7,13 tỷ USD, giảm 0,4%, tương ứng giảm 30 triệu USD so với tháng trước. Đưa kim ngạch nhập khẩu của khối này 8 tháng/2017 đạt hơn 54 tỷ USD, tăng 17,9%, tương ứng tăng 8,18 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa của cả nước  tháng 8/2017 đạt mức cao nhất từ đầu năm đến này, với thặng dư thương mại 1,59 tỷ USD, đưa thâm hụt thương mại hàng hóa trong 8 tháng/2017 còn mức 842 triệu USD.

Trong đó, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt thặng dư gần 2,97 tỷ USD trong tháng 8/2017, đưa thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 8/2017 đạt gần 13,22 tỷ USD.

Ngược lại, khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt tới hơn 1,38 tỷ USD trong tháng 8/2017, đưa thâm hụt thương mại của khối này từ đầu năm đến hết tháng 8/2017 gần 14,06 tỷ USD, bằng 35,2% kim ngạch xuất khẩu của khối này.

Hà Nhi
Bao Cong thuong

ĐỒNG NAI GIỮ NHỊP ĐỘ TĂNG TRƯỞNG XUẤT KHẨU VÀ XUẤT SIÊU

Trong 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đã đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu đạt 4,78 tỷ USD, Đồng Nai tiếp tục duy trì vị trí xuất siêu. 

Các DN dệt may của Đồng Nai giữ vị thế tăng trưởng xuất khẩu trước nhiều áp lực cạnh tranh 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Đồng Nai, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ đều có mức tăng trưởng cao trong 4 tháng/2017. Đặc biệt với mặt hàng dệt may trung bình hàng tháng các DN trên địa bàn xuất khẩu được khoảng trên 150 triệu USD. Tuy nhiên, theo các DN dệt may, xuất khẩu ngành này đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khối ASEAN tại những thị trường lớn, như Hoa Kỳ, châu Âu. Để ổn định đầu ra, nhiều DN dệt may đã tìm cách mở rộng thị trường sang các nước Việt Nam đang có lợi thế hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản…

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như hạt điều, cà phê, cao su giá xuất khẩu tăng đáng kể. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều đang ở mức 9.147 USD/tấn; giá cà phê ở mức 2.209 USD/tấn; giá cao su ở mức 1.872 USD/tấn, tăng 46,7% so cùng kỳ năm 2016… đã góp phần làm tăng chung kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Để duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu cao các DN xuất khẩu trên địa bàn đã tiếp tục khai thác tối đa thị trường truyền thống. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng gần 88%; Nhật Bản tăng gần 13%; Pháp tăng hơn 9%; Hoa Kỳ tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu các DN cần tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu, đồng thời khai thác triệt để những thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hàn Quốc, Nhật Bản… để hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Ngoài ra, các DN Đồng Nai liên tục cải thiện quản trị, sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Để hỗ trợ DN giữ đà tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tổ chức các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thể tìm thêm những khách hàng, đơn hàng mới; Kết nối DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN sản xuất để có thể cung ứng nguyên phụ liệu cho nhau nhằm giảm nhập khẩu, dễ dàng hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất sang các thị trường Việt Nam đã ký các FTA. Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục được thực hiện, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh Thanh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

LIÊN TỤC XUẤT SIÊU SANG CAMPUCHIA

(HQ Online)- Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, những năm gần đây Việt Nam luôn duy trì được trạng thái xuất siêu sang thị trường Campuchia.
Biều đồ trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2011-2016, đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Cụ thể, trong năm 2011 tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,84 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là 2,41 tỷ USD, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia là gần 430 triệu USD và thặng dư thương mại đạt 1,98 tỷ USD.

Đến năm 2013, xuất siêu hàng hóa từ Việt Nam sang quốc gia này đã đạt mức kỷ lục 2,4 tỷ USD, chiếm đến 83% tổng trị giá xuất khẩu của nước ta sang Campuchia. Năm 2016, mức thặng dư này dù có sự suy giảm dần nhưng vẫn đạt mức cao 1,5 tỷ USD.

Trong thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong nội khối ASEAN, Campuchia đứng vị trí thứ 6 về xuất khẩu và thứ 7 về nhập khẩu trong năm 2016. Mặc dù là một nước láng giềng kề cận nhưng hoạt động giao thương hàng hoá giữa Việt Nam và Campuchia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu với nước này trong nhiều năm qua chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm khoảng 1,1% đến 1,2%).

Số liệu mới nhất cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu 3 tháng từ đầu năm 2017 là 1,08 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 640 triệu, giảm 19,6% so với cùng thời gian năm 2016 và nhập khẩu là 446 triệu, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Campuchia khá tốt trong các năm 2012, 2013 nhưng lại giảm nhẹ trong những năm tiếp theo.

Trong năm 2016, Campuchia là thị trường xếp thứ 23 trong khoảng hơn 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu là 2,2 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2015 và chỉ chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Campuchia vẫn là: xăng dầu, sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm dệt may…

Campuchia là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu xăng dầu và sắt thép từ Việt Nam trong năm 2016 (tương ứng chiếm 36,7% và 18,2% kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam).

Lượng xuất khẩu xăng dầu các loại sang Campuchia trong năm 2016 đạt 667 nghìn tấn, tăng 5,1%. Tuy nhiên do giá xuất khẩu giảm nên trị giá xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt gần 293 triệu USD, giảm mạnh 21,2% so với năm 2015.

Đối với nhóm hàng sắt thép (lượng 655 nghìn tấn, trị giá 307 triệu USD, giảm lần lượt 9% và  20%); hàng dệt may: 244 triệu USD, tăng 19,2%; nguyên phụ liệu dệt may da giày: 152 triệu USD, tăng 4,2%; sản phẩm từ chất dẻo: 97 triệu USD, giảm 5,8% so với năm 2015…

Về nhập khẩu, Campuchia là bạn hàng xếp vị trí thứ 22 về cung cấp hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2016 với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ thị trường này là 726 triệu USD, giảm mạnh 23,3% so với năm 2015.

Xét trong nội khối ASEAN, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Campuchia vào Việt Nam xếp thứ 6 (cao hơn nhập khẩu từ Lào, Myamar và Brunei) và chiếm 3% trị giá nhập khẩu hàng hoá từ tất cả các nước ASEAN.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam có nguồn gốc từ Campuchia trong năm qua bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 182 triệu USD, giảm 52,7%; hạt điều đạt 114 triệu USD, giảm 14,4%; cao su đạt 84 triệu USD tăng 9%; đậu tương đạt 23 triệu USD, giảm 10,7% so với năm 2015.

Thái Bình