NHỮNG THAY ĐỔI TRONG QUY ĐỊNH NHẬP KHẨU THỦY SẢN TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

(HQ Online)- Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay có 6 nước bao gồm Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê út, Mexico và Brazil hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam đang đối mặt với hàng rào kỹ thuật khắt khe từ các nước nhập khẩu Ảnh: Nguyễn Huế.

Được biết, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc xuất khẩu tôm của Việt Nam. 

Vì vậy, để giúp các đơn vị nắm được các yêu cầu, có định hướng và chủ động trong sản xuất nhằm có được các sản phẩm phù hợp với yêu cầu các thị trường nhập khẩu thủy sản, vừa qua, Cục Thú y đã tóm tắt và cung cấp thông tin về những thay đổi trong quy định nhập khẩu thủy sản của một số nước đã có thông báo cho Việt Nam.

Theo đó, đối với thị trường Úc, theo quy định pháp luật hiện hành của Úc, tôm được phép nhập khẩu vào Úc theo các dạng được tóm tắt như sau:

Đối với tôm chưa qua nấu chín: Tất cả tôm và các sản phẩm của tôm phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ được Cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận là sạch các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura,  hoại tử gan tụy do vi khuẩn và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp, chế biến theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận để sử dụng làm thực phẩm cho người. Hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ, đông lạnh trước khi xuất sang Úc và phải được lấy mẫu từng lô hàng khi đến Úc để xét nghiệm khẳng định không có mầm bệnh đốm trắng và đầu vàng.

Tất cả các loại tôm, sản phẩm tôm chưa qua nấu chín phải được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu xác nhận là phù hợp làm thực phẩm cho người; đã được chế biến, kiểm tra và phân loại tại các nhà máy đã được kiểm soát và phải không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm. Đối với tôm đã được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận khi xuất khẩu sang Úc sẽ được cơ quan có thẩm quyền của Úc kiểm tra ngẫu nhiên.

Đối với tôm đã nấu chín: Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu phải xác nhận là tôm và các sản phẩm tôm đã nấu chín phù hợp để làm thực phẩm cho người; tôm và sản phẩm tôm phải được nấu chín tại các nhà máy đã được phê duyệt và dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu để bảo đảm thời gian và nhiệt độ nấu chín là phù hợp, không còn thành phần chưa nấu chín lẫn vào các sản phẩm.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản quốc gia thuộc Bộ Thủy sản Hàn Quốc quy định: Tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã khi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do Cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay. Cơ quan có thẩm quyền của Hàn Quốc sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên các lô hàng thủy sản (thông qua hệ thống tự động truy xuất thông tin nhập khẩu) để xét nghiệm các loại mầm bệnh theo quy định của OIE (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, đầu vàng, Taura, hoại tử cơ, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu). 

Tại thị trường Trung Quốc, yêu cầu của Trung Quốc đối với việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh trên tôm sú sống vẫn tiếp tục được thực hiện trong tương lai. 

Ngoài ra, một số thị trường như Ả rập Xê út, Brazil, Mexico, Liên bang Nga, Armenia,…cũng có các quy định cụ thể đối với việc nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản liên quan đến vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh…

Xuân Thảo

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

Bao Cong thuong

THÚC ĐẨY XUẤT NHẬP KHẨU TRỰC TUYẾN

Chiều 8/5, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức họp báo về Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 sẽ diễn ra ngày 16/5, tại Hà Nội.

Toàn cảnh họp báo

Theo ông Trần Văn Trọng – Chánh Văn phòng VECOM, Hội thảo Xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC) là sự kiện quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng.

Số lượng người tiêu dùng trong nước trực tiếp mua sản phẩm từ các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động thương mại phức tạp, có liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy lĩnh vực này là rất lớn. Thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ở các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý Nhà nước khác.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch VECOM chia sẻ, hội thảo sẽ trao đổi về ba chủ đề chính xoay quanh ba trụ cột của xuất nhập khẩu trực tuyến. Chủ đề thứ nhất về dịch vụ công trực tuyến hay giao dịch trực tuyến giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp xuất nhập khẩu (G2B). Chủ đề tiếp theo là cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Chủ đề thứ ba là xu hướng và giải pháp phát triển xuất nhập khẩu hướng tới người tiêu dùng cuối cùng (B2B2C). “Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, lợi ích của các sàn giao dịch thương mại điện tử xu hướng bán lẻ trực tuyến tới khách hàng nước ngoài; những đề xuất với các cơ quan Nhà nước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến gắn với xuất nhập khẩu”, ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh.

Lan Anh

Nguồn: http://baocongthuong.com.vn/

THU GIỮ HÀNG TRĂM MÁY LẠNH ĐÃ QUA SỬ DỤNG NHẬP KHẨU QUA CẢNG CÁT LÁI

(HQ Online)-Khui container hàng nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái, cơ quan Hải quan phát hiện hàng trăm máy lạnh cũ nát chứa đầy container. 

Hàng trăm máy lạnh được khui ra từ container hàng nhập khẩu.

Ngày 9/5, tại cảng Cát Lái, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3)- Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện Quyết định khám xét số 09/QĐ-D93 đối với 1 container hàng nhập khẩu, phát hiện chứa toàn hàng cấm.

Trong đó, phần lớn số hàng chứa trong container là máy lạnh đã qua sử dụng, nhiều chiếc bị gỉ sét, cũ nát. Ngoài ra, trong container hàng còn chứa hàng chục nồi cơm điện, quạt máy, loa thùng… tất cả đều đã qua sử dụng, thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu.

Lô hàng nêu trên do Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình (121 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đứng tên trên vận đơn nhận hàng. 

Khi lô hàng cập cảng Cát Lái, phát hiện có nghi vấn, Đội 3 đã phối hợp với Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 thực hiện giám sát trọng điểm và tổ chức xác minh. 

Theo kết quả xác minh của Đội 3, doanh nghiệp này không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Chính quyền địa phương cũng xác nhận tại địa chỉ nêu trên không có biển hiệu cũng như hoạt động của Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình.

Đáng chú ý, trong công văn gửi hãng tàu từ chối nhận lô hàng nêu trên, ông Nguyễn Văn Long, đại diện pháp luật cho Công ty TNHH Phát triển Thương mại Dịch vụ XNK Thanh Thanh Bình vẫn lấy địa chỉ giao dịch nêu trên để gửi công văn.

Trước đó, ngày 5/5, tại cảng Cát Lái- TP.HCM, Đội 3 cũng đã thực hiện quyết định khám xét  2 container hàng trung chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam để xuất khẩu đi Campuchia, phát hiện chứa rất nhiều hàng lậu, hàng cấm là xe máy, thiết bị văn phòng, âm ly… đã qua sử dụng.

Một số hình ảnh khám xét: 

Container chứa đầy máy lạnh
Toàn bộ máy lạnh đều cũ nát
Hàng chục chiếc quạt máy, nồi cơm điện đã qua sử dụng
Phần lớn là máy lạnh cấm nhập khẩu

  

Lê Thu

NHẬT BẢN VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU NHẬP KHẨU TÔM CỦA VIỆT NAM

(HQ Online)-Do ảnh hưởng của thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm của các DN Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này và đang vương lên dẫn đầu. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biế và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam 3 tháng đầu năm 2017 có xu hướng chững lại với 618 triệu USD, trong khi năm 2016, kim ngạch XK tăng gần 7%.

Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh, thuế Chống bán phá giá khiến XK tôm sang Mỹ giảm mạnh, trong khi nhu cầu của Nhật Bản tăng do đồng Yên tăng giá thu hút DN tôm chuyển sang thị trường này. XK sang một số thị trường khác như EU, Hàn Quốc phục hồi tích cực bù đắp cho sụt giảm tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Australia.

Trong quý 1/2017, Việt Nam XK tôm sang 68 thị trường, tăng so với 64 thị trường của cùng kỳ năm 2016. Top 10 thị trường chính bao gồm Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ, chiếm 95,4% tổng XK tôm Việt Nam.

Vị trí của top 10 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 3 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ, Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3. Canada vươn lên vị trí thứ 6, Australia nhường chỗ cho Canada và đứng ở vị trí thứ 7.
XK tôm sang Nhật Bản bắt đầu phục hồi từ tháng 8/2016 và tăng trưởng liên tục đến tháng 3 năm nay. Nếu như cả năm 2016, XK tôm sang Nhật Bản chỉ tăng 2,7% thì 3 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tăng trưởng đạt 29,6% với giá trị XK 135,4 triệu USD.

Trong quý 1 năm nay, Nhật Bản là thị trường nổi bật nhất vì đã giành được vị trí số 1 từ Mỹ nhờ mức tăng trưởng tốt 29,6% trong NK tôm từ Việt Nam. EU vẫn ổn định ở vị trí thứ 2 tăng 6,4%. XK sang Trung Quốc sau khi tăng trưởng tốt trong năm 2016, trong quý đầu năm 2017 đảo chiều đi xuống. XK sang Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhất nhờ những ưu đãi từ FTA giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Top 5 thị trường chính gồm Nhật Bản (chiếm tỷ trọng 21,9%), EU (chiếm 19,2%), Mỹ (18,1%), Trung Quốc (15,1%),  Hàn Quốc (10%). Trong top 5 này, XK sang Nhật Bản, EU, Hàn Quốc tăng trưởng tốt trong đó XK sang Hàn Quốc tăng mạnh nhất 30,8%; XK sang Mỹ, Trung Quốc giảm trong đó Mỹ giảm mạnh nhất 26,3%.

XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trong 3 quý đầu năm, đảo chiều đi xuống trong quý IV/2016. Bước sang quý I/2017, XK tôm sang thị trường này tiếp tục xu hướng giảm. XK trong cả 3 tháng của quý I đều giảm từ 22-28% so với các tháng cùng kỳ năm 2016. Kim ngạch XK tôm Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm nay đạt gần 112 triệu USD; giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2016. Do tăng trưởng âm nên Mỹ tụt xuống vị trí thứ 3 trong top các thị trường NK tôm chính của Việt Nam trong quý đầu năm nay.

Biến đổi khí hậu như hạn hán và xâm ngập mặn có thể vẫn xảy ra và tác động đến sản xuất tôm nước lợ trong năm 2017. Dự báo sản lượng tôm nguyên liệu năm 2017 sẽ tăng nhẹ đạt 660 nghìn tấn trên 700 ha diện tích nuôi. XK tôm năm 2017 dự báo sẽ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9%. Trong đó, tôm chân trắng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 8%, tôm sú trên 900 triệu USD, tăng 2%.

Lê Thu

BẮT GIỮ LÔ HÀNG THIẾT BỊ Y TẾ CẤM NHẬP KHẨU

(HQ Online)-Ngày 3/5/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, một lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu vừa được phát hiện khi đối tượng ngụy trang trong lô hàng quá cảnh. 

Chiếc máy chụp cắt lớp đã đã sử dụng ẩn lậu trong lô hàng quá cảnh.
Lô hàng trên được Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất  phối hợp cùng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) – Bộ Công an và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM theo dõi phát hiện.

Được biết, lô hàng này đang làm thủ tục quá cảnh sang Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, bắt giữ. Lô hàng thiết bị y tế cấm nhập khẩu là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng (khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản) gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá khoảng trên 3,2 tỷ đồng. 

Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong có địa chỉ tại 39B Trường Sơn, phường 4, quận Tân Bình, Tp.HCM do ông Đinh Hữu Thạnh, sinh năm 1975  thường trú tại phường Cẩm Thượng, Tp.Hải Dương làm Giám đốc khi làm thủ tục quá cảnh, đại diện doanh nghiệp đã khai báo lô hàng nhập khẩu mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương.

Trước đó vài ngày, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đã ra Quyết định khởi tố hình sự về tội buôn lậu đối với Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật Olympic địa chỉ tại số 1/54 Lữ Gia, phường 15, quận 11, Tp.HCM do ông Nguyễn Kiến Hưng sinh năm 1987, CMND số 385384231 cấp ngày 08/01/2016 có hộ khẩu thường trú tại: 423 Ấp 1, thị trấn Gia Rai, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu làm Giám đốc đã tổ chức nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế là 50 Máy Đo điện tim, khai báo sai tên hàng nhằm trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, trị giá lô hàng hơn 500 triệu đồng.

Theo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng tuyến đường hàng hóa quá cảnh đi Campuchia để buôn lậu – đây là thủ đọan buôn lậu mới. Cơ quan Hải quan đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này, liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, có những vụ đối tượng phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển, thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ hoặc hàng vận chuyển qua đến Campuchia rồi tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Lê Thu

KIỂM SOÁT CHẶT NHẬP KHẨU CÁC MẶT HÀNG TRONG NƯỚC SẢN XUẤT ĐƯỢC

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được. 

Lực lượng Hải quan cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: Q.H

Theo đó, các đơn vị cần tăng cường công tác thu thập, xử lý thông tin, nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là các mặt hàng được Bộ Công Thương đưa vào diện áp dụng các biện pháp tự vệ (thuế tự vệ); các mặt hàng trong nước đã sản xuất được theo Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước sản xuất được (ban hành kèm theo Thông tư số 14/2015/TT-BKHĐT ngày 17/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các tuyến đường bộ, đường sắt liên vận, đường hàng không, đường biển…, sau đó thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường… chia sẻ thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; kiên quyết xử lý nghiệm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu…

Quang Hùng

DOANH NGHIỆP FDI CHIẾM 65,1% KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU VIỆT NAM

Tính đến hết ngày 15/4/2017, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70,05 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu , nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2017 (từ 1/4 đến 15/4/2017) đạt gần 16,37 tỷ USD giảm 13,9% (tương ứng giảm gần 2,65 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2017.

Như vậy, tính đế​n hết ngày 15/04/2017 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng gần 16,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

 
Doanh nghiệp FDI chiếm 65,1% kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam.

Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 04/2017 thâm hụt 501 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 04/2017 thâm hụt hơn 2,56 tỷ USD, bằng 4,9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước

Cũng theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 4/2017 khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI ) đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 10,87 tỷ USD, giảm 13% tương ứng giảm hơn 1,62 tỷ USD so với nửa cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4/2017 khối này đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70,05 tỷ USD, tăng 18,5%, tương ứng tăng gần 10,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp có vốn FDI trong nửa đầu tháng 4/2017 thặng dư 504 triệu USD, đưa mức thặng dư của khối này từ đầu năm đến hết 15/4/2017 hơn 3,92 tỷ USD.

Theo Hòa Lộc

Doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://cafef.vn/

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN XUÂN CƯỜNG: TẠM DỪNG NHẬP KHẨU THỊT LỢN ĐỂ ‘GIẢI CỨU’ CHĂN NUÔI TRONG NƯỚC

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ đề nghị tạm dừng nhập khẩu thịt lợn để ‘giải cứu’ chăn nuôi trong nước, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị tích cực thu mua thịt lợn để giúp đỡ bà con chăn nuôi lợn vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị tìm giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi” để tìm lối thoát cho ngành chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung vượt xa nhu cầu, giá lợn sụt giảm mạnh, người nông dân thua lỗ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiện nay. Thứ nhất nguồn cung đang lớn hơn cầu. Chúng ta có 30 triệu con lợn, trong đó 4,2 triệu con nái.  20 năm trước, thức ăn chủ yếu là thịt lợn, nhưng hiện nay nguồn cung thực phẩm đã đa dạng như: trứng, thịt bò, cá… khiến áp lực càng đè nặng lên thịt lợn.

Nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng chưa tốt, quy mô chăn nuôi vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô nhỏ lẻ với 3 triệu hộ nhỏ chăn nuôi, khiến giá thành cao, khó kiểm soát chuỗi, các khâu sản xuất và phân phối tách rời khiến khi thị trường có sự cố thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.

Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng là một khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Chỉ một số doanh nghiệp chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán tươi là chính.

Ngoài ra, khâu tổ chức thị trường kém kể cả nội địa và xuất khẩu. Tổ chức mạng lưới phân phối yếu, chưa gắn kết sản xuất với phân phối. Xuất khẩu mới đi được một số ít đi Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… Các thị trường lớn chưa xâm nhập được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi giải cứu ngành chăn nuôi lợn.

Đứng trước những khó khăn này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã đưa ra các nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, phải nhanh chóng tái cơ cấu lại chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp. Đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Giảm đàn nái từ 4,2 con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra. Phát triển đối tượng khác thay thế, không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

“Cần tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho thị trường. Mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch, xúc tiến xuất khẩu thịt lợn tại một số nước ASEAN. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hạ ngay yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.  Tạm dừng việc nhập thịt lợn để tạo dư địa cho thịt lợn trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đại diện Công ty CP Việt Nam, để giải cứu thịt lợn, CP đã tăng cường bán thịt lợn lợn theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được đi nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi. CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân.

Đại diện Dabaco cho biết giảm giá thức ăn 5 – 7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.  Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây mổ nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Dabaco kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần xây dựng hệ thống thôn tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Dabaco đã dự báo năm 2017 thị lợn sẽ khó khăn nhưng không thể hình dung ra thị trường lại tụt giảm sâu như hiện nay. Tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái.

Bài và ảnh: H.V/Báo Tin Tức

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG MẠNH ĐẠT GẦN 108 TỶ USD

(HQ Online)- Dù tổng trị giá kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu trong nửa đầu tháng 4 có sụt giảm so với 15 ngày cuối tháng 3 trước đó, nhưng xét tổng thể từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đang duy trì mức tăng trưởng cao và đạt trị giá kim ngạch gần 108 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu nước ta đang có những khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2017. Trong ảnh, hoạt động xuất nhập nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
Hàng xuất khẩu chủ lực giảm

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 4 đạt hơn 7,93 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm gần 1,51 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 3/2017.

Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt  gần 52,51 tỷ USD, tăng 13,9% (tương ứng tăng hơn 6,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016.

Căn cứ vào dữ liệu của cơ quan Hải quan có thể thấy, nguyên nhân cơ bản khiến kim ngạch xuất khẩu 15 ngày vừa qua giảm mạnh xuất phát từ sự biến động mạnh theo chiều hướng giảm ở nhiều nhóm hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta.

Đáng chú ý, 2 mặt hàng lớn là dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong nửa cuối tháng 3 trước đó đều đạt trị giá kim ngạch hơn 1 tỷ USD nhưng sang nửa đầu tháng này đã bị sụt giảm mạnh.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 27,8%, tương ứng giảm 319 triệu USD (đạt 829,7 triệu USD); hàng dệt may giảm 20,4%, tương ứng giảm 255 triệu USD (chỉ đạt 879,6 triệu USD).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác có mức sụt giảm mạnh như sắt thép các loại giảm 62,8%, tương ứng giảm 108 triệu USD; gỗ và và sản phẩm gỗ giảm 23,8%, tương ứng giảm 93 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn của nước ta, chỉ có điện thoại và linh kiện có mức tăng trưởng nhẹ so với con số đạt 1,842 tỷ USD, tăng 53 triệu USD so với trước đó. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa đủ sức kéo được tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước đi lên.

Liên quan đến hoạt động nhập khẩu, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng thời điểm trên đạt hơn 8,43 tỷ USD, giảm 11,9% so với 15 ngày cuối tháng 3. Tính đến hết ngày 15/4 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 55,07 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2016.

Hướng tới mốc 400 tỷ USD

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 107,58 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, đến nửa đầu tháng 4, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 100 tỷ USD.

Theo dõi hoạt động ngoại thương cả nước những năm gần đây cho thấy chu kỳ “100 tỷ USD” trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đang được rút ngắn nhanh chóng. Hết năm 2007, lần đầu tiên nước ta cán mốc 100 tỷ USD (cả năm đạt 111,2 tỷ USD).

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan (công bố từ năm 2009), thì trong năm 2009 phải mất 10 tháng nước ta mới đạt được dấu mốc này (hết tháng 10 đạt 102,589 tỷ USD); sang năm 2010 phải đến đầu tháng 9… và đến năm ngoái 2016 phải hết tháng 4.

Nhưng bước sang năm 2017, thời gian tiếp tục được giảm thêm 15 ngày. Với trị giá kim ngạch bình quân mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ USD thì thời gian giảm thêm 15 ngày là hết sức có ý nghĩa.

Và nếu duy trì được mức tăng trưởng trên 18% như thời gian vừa qua, kết thúc năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ lần đầu tiên đạt và vượt mốc 400 tỷ USD (năm 2016 mới đạt hơn 350 tỷ USD).

Điều này là có cơ sở vì theo quy luật, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thường tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm, nhất là trong quý III.

Sự tăng trưởng trên không chỉ chứng tỏ quy mô của hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta ngày càng lớn mà còn tạo được sự phát triển ổn định và đa dạng về cơ cấu, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.

Trước đây hoạt động xuất khẩu dựa chủ yếu vào tài nguyên khoáng sản (dầu thô, than đá…) hay yếu tố lợi thế về lao động (dệt may, gia dày…) nhưng những năm gần đây chủng loại hàng hóa xuất khẩu đa dạng hơn với sự góp mặt của các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy ảnh, phương tiện vận tải…

Thái Bình

GẦN 73% Ô TÔ NHẬP KHẨU TỪ THÁI LAN, ẤN ĐỘ VÀ INDONESIA

(HQ Online)- Đây là thông tin đáng chú ý về hoạt động nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2017, vừa được Tổng cục Hải quan công bố.
Biểu đồ sản lượng, trị giá kim ngạch từ 12 thị trường nhập khẩu ô tô trong quý I/2017. Biểu đồ: T.Bình.
Theo đó, tháng 3/2017 cả nước nhập khẩu 11.185 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 180 triệu USD, tăng 39,3% về lượng và tăng 13,9% về trị giá so với tháng trước.

Qua đó, đến hết quý I, cả nước nhập khẩu 26.506 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 488 triệu USD, tăng 34,4% về lượng nhưng chỉ tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó lượng nhập khẩu ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 16.310 xe, tăng 136% và chiếm gần 62% tổng lượng ô tô nhập khẩu của cả nước; ô tô tải đạt hơn 8.800 xe, giảm 10,2%; ô tô trên 9 chỗ ngồi là 170 xe, giảm 10,2% và ô tô loại khác là 1.200 xe, giảm 56,1%.

Xét về khía cạnh thị trường, lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN trong 3 tháng đầu năm 2017 là 14.460 xe, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó ô tô nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan là 10.050 xe, tăng 28,8% và từ Indonesia là 4.409 xe, trong khi con số của cùng kỳ năm trước chỉ là 833 chiếc.

Ngoài ra, trong 3 tháng qua, Việt Nam cũng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường Ấn Độ tăng gấp 4 lần, với gần 4.798 xe.

Như vậy, chỉ riêng 3 thị trường kể trên chiếm tới gần 73% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu cả nước trong quý I.

Căn cứ dữ liệu của cơ quan Hải quan, trong quý I có 12 thị trường cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam. Ngoài 3 thị trường lớn kể trên còn 2 thị trường có số lượng ô tô nhập khẩu từ 1.000 xe trở lên là Hàn Quốc đạt 2.964 xe; Nhật Bản đạt 1.053 xe.

Thái Lan tiếp tục duy trì vị thế số một cả về sản lượng và trị giá kim ngạch ô tô nhập khẩu (kim ngạch đạt hơn 179,5 triệu USD).

Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 3 về sản lượng, nhưng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 (đạt hơn 76,5 triệu USD). Thị trường có kim ngạch lớn thứ 3 là Hàn Quốc với trị giá đạt hơn 44,8 triệu USD (đứng thứ 4 về sản lượng).

Đáng chú ý, Ấn Độ dù là thị trường có sản lượng lớn thứ 2, nhưng trị giá kim ngạch chỉ đạt hơn 18,3 triệu USD, đứng vị trí thứ 8.

Thái Bình