LỘ DIỆN 4 NHÓM HÀNG NHẬP KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Máy tính, điện thoại hay máy móc thiết bị tiếp tục là những nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước trong năm 2017, trong đó những mặt hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử (máy tính, điện thoại) có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Biểu đồ trị giá kim ngạch năm 2016 và 2017 của 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD. Biểu đồ: T.Bình.

So với năm 2016, số lượng nhóm hàng đạt trị giá 10 tỷ USD năm 2017 vẫn dừng ở con số 4 theo ước tính vừa được Tổng cục Hải quan công bố. 4 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; điện thoại và linh kiện; vải.

Nhưng đáng chú ý, vị trí các nhóm hàng có sự thay đổi khi máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất cả nước.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt gần 99 tỷ USD, 4 nhóm hàng kể trên chiếm gần 46,8% tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu cả nước trong năm 2017.

Kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2017 ước đạt 37,5 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm trước và trở thành nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất. Ảnh: T.Bình.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng bị rơi xuống vị trí thứ 2 với trị giá kim ngạch ước đạt 33,64 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Đang là một trong những quốc gia xuất khẩu điện thoại hàng đầu thế giới nhưng trong năm 2017 nước ta cũng chi đến 16,18 tỷ USD nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện, tăng tới 53,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.
Ngành công nghiệp dệt may nước ta vẫn đang bị phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó vải là nguyên liệu nhập khẩu lớn nhất. Năm 2017, trị giá kim ngạch nhập khẩu mặt hàng vải ước đạt 11,45 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2016. Ảnh: T.Bình.

 

Thái Bình

LẦN ĐẦU TIÊN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CÙNG ĐẠT TRÊN 200 TỶ USD

(HQ Online)- Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lần đầu tiên tổng trị giá kim ngạch xuất khẩunhập khẩu của cả nước cùng đạt mức trên 200 tỷ USD.
Xuất khẩu, Nhập khẩu, kim ngạch
Hàng hóa XNK tại khu vực cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/12, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, trong khi đó tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu đạt gần 201,3 tỷ USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 36 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 21,5%; ở chiều nhập khẩu, con số tăng thêm cũng rất ấn tượng đạt khoảng 35 tỷ USD, tăng gần 21,3%.

Một số thay đổi đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu là sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện thoại và máy tính.

So với cùng kỳ năm ngoái, mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng thêm 10 tỷ USD, đạt trị giá kim ngạch 43,19 tỷ USD là nhóm hàng có con số tuyệt đối tăng thêm nhiều nhất và cũng là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Trong khi đó, xét về tốc độ tăng trưởng, mặt hàng máy tính là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có tốc độ tăng lớn nhất với mức tăng 38%, đạt trị giá kim ngạch 24,87 tỷ USD và vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 cả nước (dệt máy đứng thứ 3 với 24,744 tỷ USD). Đây là điều gây không ít ngạc nhiên vì cùng kỳ năm ngoái, khoảng cách giữa 2 nhóm hàng này còn rất lớn lên đến hơn 4,5 tỷ USD.

Ngoài 3 nhóm hàng trên, hoạt động xuất khẩu đến 15/12 cũng ghi nhận thông tin đáng chú ý khác khi hàng loạt nhóm hàng chủ lực có kim ngạch vượt kết quả của cả năm 2016 như thủy sản đạt 7,955 tỷ USD, vượt cả năm ngoái hơn 900 triệu USD; rau quả đạt 3,346 tỷ USD, vượt gần 890 triệu USD; hạt điều đạt 3,363 tỷ USD vượt hơn 500 triệu USD…

Như vậy, dù chưa kết thúc năm nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2017 nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước đã thiết lập được những kỷ lục mới ấn tượng về trị giá kim ngạch.

Với tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đến 15/12 đạt 405,3 tỷ USD và trị giá trung bình đạt trên dưới 20 tỷ USD/nửa tháng, nhiều khả năng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu năm 2017 sẽ vượt 420 tỷ USD.

Thái Bình

MÁY MÓC, THIẾT BỊ VÀO NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU 10 TỶ USD

(HQ Online)- Đến nay, có 5 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 10 tỷ USD, tăng thêm một nhóm so với cùng kỳ 2016.
Cơ cấu tỉ lệ kim ngạch 5 nhóm hàng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước tính đến 15/11. Biểu đồ: T.Bình.

Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/11 có thêm nhóm hàng mới góp mặt là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với trị giá kim ngạch đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Trị giá này tăng thêm 2,444 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016 (tương đương tăng thêm 28,56%) và giúp nhóm hàng này lần đầu tiên góp mặt vào nhóm xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên tính đến 15/11.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, xét về thị trường (tính hết tháng 10), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường: Hoa kỳ với 2,01 tỷ USD, tăng 16,8%; Nhật Bản với 1,41 tỷ USD, tăng 10%; Liên minh châu Âu- EU (với 28 thị trường) với 1,49 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước…

Ngoài máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, đến 15/11, còn 4 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch trên 10 tỷ USD là: Điện thoại và linh kiện đạt 38,953 tỷ USD; dệt may đạt 22,436 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,352 tỷ USD; giày dép đạt 12,46 tỷ USD.

Một tín hiệu tích cực là cả 5 nhóm hàng “10 tỷ USD” đều duy trì được sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016 và đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó 2 nhóm hàng liên quan đến lĩnh vực điện tử là điện thoại và máy tính có mức tăng trưởng đến 2 con số với tốc độ lần lượt là 30,38% và 38,6%.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 107,201 tỷ USD, 5 nhóm hàng trên chiếm đến 58,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Thái Bình

3 NHÓM HÀNG XUẤT KHẨU CHỦ LỰC MANG VỀ THÊM GẦN 9 TỶ USD

(HQ Online)- Từ đầu năm đến trung tuần tháng 8, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta là điện thoại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tạo thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng tới 8,783 tỷ USD so với cùng kỳ 2016.
Biểu đồ so sánh trị giá kim ngạch xuất khẩu 3 nhóm hàng lớn so với cùng kỳ 2016 (tính đến 15/8), đơn vị tính “tỷ USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Dựa vào thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố cho thấy, đến 15/8, trong 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao và con số tăng thêm lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Cụ thể, đến 15/8, nhóm hàng này đạt tổng trị giá kim ngạch 14,635 tỷ USD, tăng tới 4,322 tỷ USD so với cùng kỳ 2016, tương đương tốc độ tăng trưởng 41,9%.

Trong khi đó, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện cũng mang về thêm 3,299 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến 15/8 lên 24,258 tỷ USD.

Với 1,162 tỷ USD tăng thêm so với cùng kỳ 2016, ngành hàng dệt may đạt được trị giá kim ngạch xuất khẩu 15,375 tỷ USD và đang đứng ở vị trí thứ 2 trong số các ngành hàng xuất khẩu của nước ta.

Với tổng trị giá kim ngạch đạt 54,268 tỷ USD, 3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kể trên đang đóng góp tới gần 43,8% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Một số mặt hàng xuất khẩu lớn khác đáng chú ý của nước ta có thể kể đến như giày dép đạt trị giá kim ngạch 8,944 tỷ USD; thủy sản đạt 4,749 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,544 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,288 tỷ USD…

Thái Bình

ĐẠT 250 TỶ USD KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU

(HQ Online)- Thông tin mới nhất được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến trung tuần tháng 8 đạt khoảng 250 tỷ USD.
Cả hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của nước ta đều đang đạt mức tăng trưởng cao ở mức 2 con số. Trong ảnh, hoạt động XNK tại cảng Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.
.

Trong đó, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 124 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt gần 126,4 tỷ USD. Như vậy, cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cả nước đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2016, trong đó, xuất khẩu tăng trưởng gần 19%, trong khi nhập khẩu tăng cao hơn đạt gần 22,3%. Tuy nhiên, cán cân thương mại của nước ta vẫn đang thâm hụt khoảng 2,4 tỷ USD.

Trong lĩnh vực nhập khẩu có 2 nhóm hàng có trị giá kim ngạch đạt từ 20 tỷ USD trở lên là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,603 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 20,581 tỷ USD.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 6,869 tỷ USD; sắt thép 5,631 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu 4,452 tỷ USD…

Trong khi đó nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta là điện thoại và linh kiện đạt 24,258 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo là dệt may đạt 125,375 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,635 tỷ USD; giày dép đạt 8,944 tỷ USD…

Nhìn vào kết quả trên dễ dàng nhận thấy những nhóm hàng tạo nên dấu ấn cho hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta như điện thoại; máy tính; máy móc thiết bị… đều nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp FDI. Tính chung đến hết 15/8, tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 70,3% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi tỉ lệ này ở lĩnh vực nhập khẩu là 60%.

Thái Bình

KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU TĂNG HƠN 40 TỶ USD

(HQ Online)- Thông tin vừa được Tổng cục Hải quan công bố chiều nay (9/8) cho thấy, hoạt động XNK cả nước đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 (từ 16/7/2017 đến 31/7/2017) đạt  gần 18,40  tỷ USD, tăng 10,3% tương ứng tăng hơn 1,71 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 7/2017.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 7/2017 đã đưa tổng kim ngạch XNK của cả nước tính hết tháng 7 đạt hơn 233,13 tỷ USD, tăng 21,1% tương ứng tăng hơn 40,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Trong kỳ 2 tháng 7 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 429 triệu USD, nên giúp mức thâm hụt thương mại tính hết tháng 7 chỉ còn gần 2,53 tỷ USD, bằng 2,2% kim ngạch xuất khẩu.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu, kỳ 2 tháng 7 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 9,41 tỷ USD, tăng 14,1% so với kỳ 1 tháng7. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhờ một số nhóm hàng chủ lực như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 158 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 110 triệu USD; giày dép các loại tăng 110 triệu USD; sắt thép các loại tăng 108 triệu USD…

Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 115,3 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với hoạt động nhập khẩu, tổng trị giá kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 7 đạt hơn 8,98 tỷ USD, tăng 6,5% so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 cùng tháng. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tăng nhờ một số nhóm: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 159 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 75 triệu USD; sắt thép các loại tăng 60 triệu USD; phân bón các loại tăng 54 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 54 triệu USD…

Hết tháng 7, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 117,83 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Thái Bình

ĐỨC LÀ ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM Ở CHÂU ÂU

(HQ Online)- Với tổng trị giá kim ngạch buôn bán 2 chiều đạt 3,859 tỷ USD, tính hết tháng 5/2017, Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.

Biểu đồ trị giá kim ngạch 6 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang Đức tính hết tháng 5/2017, đơn vị tính “triệu USD”. Biểu đồ: T.Bình.

Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, về xuất khẩu, hết tháng 5, thị trường Đức tiêu thụ lượng hàng hóa từ Việt Nam đạt tổng trị giá 2,628 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 2 ở khu vực châu Âu sau Hà Lan (đạt 2,672 tỷ USD).

Tuy nhiên, với trị giá kim ngạch nhập khẩu trong cùng thời điểm là 1,231 tỷ USD, tổng trị giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức đạt con số lớn nhất trong các bạn hàng của nước ta ở châu Âu (bởi kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan chỉ đạt hơn 271 triệu USD).

Trong số các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta sang Đức, có 6 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên. Trong đó, điện thoại và linh kiện đứng vị trí số 1 với trị giá kim ngạch gần 733 triệu USD (cập nhật hết tháng 5/2017). Các nhóm hàng kế tiếp là: Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt hơn 394 triệu USD; cà phê gần 270 triệu USD; dệt may 258 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 188,6 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 143 triệu USD.

Trong khi đó, ở chiều nhập khẩu, cùng thời điểm trên có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Đức đạt trị giá kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 516,4 triệu USD; dược phẩm 127,8 triệu USD.

Như vậy, so với cùng kỳ 2016, trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Đức tăng 8,5% tương đương 206 triệu USD; trong khi đó nhập khẩu tăng tới 16%, tương đương 170 triệu USD.

Thái Bình

Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/

NHẬP SIÊU GẦN 1,89 TỶ USD

(HQ Online)- Kim ngạch nhập khẩu tăng cao hơn khiến nước ta vẫn bị thâm hụt thương mại lớn.

Máy móc thiết bị đang là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta. Trong ảnh, máy xúc được nhập khẩu về cảng Hoàng Diệu, Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố chiều ngày 9/5, tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước trong tháng 4/2017 đạt gần 34,91 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Qua đó, nâng tổng tổng trị giá XNK hàng hoá đạt tính hết 4 đầu năm đạt 126,1 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ 2016.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 62,11 tỷ USD, tăng 16,8% và tổng trị giá nhập khẩu đạt gần 64 tỷ USD, tăng 24%. Như vậy, tính hết tháng 4, Việt Nam đang nhập siêu gần 1,89 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, một số nhóm hàng nhập khẩu có sự biến động đáng chú ý (tăng, giảm) trong tháng 4 vừa qua có thể kể đến như: Máy móc thiết bị tiếp tục tăng 5,7% so với tháng trước, với trị giá kim ngạch đạt 3,44 tỷ USD và lũy kế hết tháng 4 đạt 11,505 tỷ USD và đây là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của nước ta.

Trong khi đó, mặt hàng gây được nhiều sự chú ý là ô tô nguyên chiếc các loại tiếp tục có chiều hướng suy giảm với việc giảm 38,1% về lượng và giảm 7% về trị giá. Trong 4 tháng qua, cả nước nhập khẩu 33.404 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng giá trị kim ngạch đạt hơn 663 triệu USD.

Ở chiều xuất khẩu, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất với trị giá kim ngạch đạt 12,148 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dệt may dù vẫn đứng ở vị trí thứ 2 (đạt 7,478 tỷ USD) nhưng đã bị nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện bám sát với khoảng cách chỉ còn 128 triệu USD…

Thái Bình