Đây là thông tin đáng chú ý được Tổng cục Hải quan chuẩn bị phục vụ Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (ngày 17/5).
Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện chế độ doanh nghiệp ưu tiên là một trong những giải pháp quan trọng để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Lợi ích cụ thể mà cộng đồng doanh nghiệp được thụ hưởng (theo quy định của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn) khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên như: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
Đồng thời doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan…; được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật…
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên, tổng số doanh nghiệp ưu tiên hiện nay của cả nước là 59 doanh nghiệp. Trong năm 2016, tổng trị giá kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này đạt 94 tỷ USD.
Như vậy, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên chiếm đến 26,8% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm ngoái (cả nước đạt 350,74 tỷ USD).
Trong số các doanh nghiệp đang được công nhận có 24 doanh nghiệp trong nước, 13 doanh nghiệp vốn của Nhật Bản, 9 doanh nghiệp vốn của Hàn Quốc và một số doanh nghiệp thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Hồng Kông, Đài Loan, Italy, Singapore, doanh nghiệp liên doanh.